Giáo dục

Thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong bối

Rate this post

Trong bài viết này viethanbinhduong.edu.vn sẽ chia sẻ chuyên sâu kiến thức của Trường học tự chủ là gì để chia sẻ cho bạn đọc

1. Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo là xu thế tất yếu.

Bước vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ thứ XX, sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức cùng với những tiến bộ vượt bật của công nghệ thông tin và truyền thông đã tạo nên những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

1.1. Sự bùng nổ dân số học đường.

Trong thời đại kinh tế tri thức, việc “đào tạo lần đầu” cho một người chỉ là giai đoạn ngắn. Người được đào tạo không thể sử dụng kiến thức, kỹ năng được “đào tạo lần đầu” cho cả cuộc đời hoạt động động của mình. Thật vậy, trong nền kinh tế tri thức cứ sau 4 đến 5 năm, tri thức của loài người lại tăng gấp đôi. Các ngành nghề cũ liên tiếp mất đi, các ngành nghề mới liên tục ra đời nhanh chóng. Việc tiếp cận tri thức mới và các ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ luôn là thách thức đối với mọi người. Để không bị lạc hậu, đứng bên lề của sự tiến bộ, con người phải học thường xuyên, học suốt đời, xã hội trở thành xã hội học tập. Ông thầy và trường học chính quy không còn là nơi và là nguồn cung cấp tri thức duy nhất. Vì vậy, giáo dục và đào tạo phải vươn lên đáp ứng nhu cầu mới của xã hội học tập: Học không phân biệt lứa tuổi, không gian, thời gian và học bất cứ điều gì cần học…Dân số học đường bùng nổ kéo theo sự gia tăng các loại hình và các cơ sở giáo dục và đào tạo.

1.2. Cơ chế quản lý giáo dục cũ không còn phù hợp.

Trong bối cảnh bùng nổ dân số học đường, nhiều quốc gia đã phải tiến hành cải cách giáo dục theo hướng xây dựng nền giáo dục mở, đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục, mở rộng hơn nữa sự phân quyền cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là tự chủ đại học của các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến. Điều đó đã làm cho các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng thêm quyền lực, động lực, trở nên năng động, sáng tạo hơn và tăng tính cạnh tranh về học thuật và chất lượng đầu ra. Cơ chế quản lý giáo dục theo mô hình tập trung quyền lực cho các cơ quan quản lý giáo dục cấp cao không còn phù hợp, nói cách khác là các cơ quan đó không kham nổi, không xử lý kịp thời các đòi hỏi và làm mất đi nhiều cơ hội của cơ sở. Do vậy, việc phân quyền thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trở thành cơ chế mới, thích ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục.

1.3. Nhà nước không còn phải cung cấp chi phí cho mọi nhu cầu học tập của người học.

Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp tài chính cho giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục phổ cập, giáo dục đặc biệt, hỗ trợ cho đào tạo ban đầu của giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp nhằm thực hiện sứ mệnh phổ cập giáo dục và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực. Đối với các hình thức đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi ngành nghề, đào tạo bồi dưỡng, đào tạo nâng cao và các đào tạo bồi dưỡng khác dành cho người lớn thì người học phải trả học phí. Các cơ sở giáo dục và đào tạo có thể dựa vào nguồn thu này cũng như các nguồn thu khác về hoạt động khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và các dịch vụ giáo dục để thực hiện tự chủ về tài chính.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo là một xu thế tất yếu. Xu thế đó là không thể đảo ngược.

Ở nước ta, trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong điều kiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế hiện nay thì việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo cũng là tất yếu, khách quan.

Đọc thêm:  Cách làm phấn trang điểm từ nguyên liệu tự nhiên cực đơn giản

2. Khái niệm về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

2.1.Các khái niệm.

Theo tự điển tiếng Việt [3], tự chủ là “tự điều hành, quản lý mọi công việc của mình không bị ai chi phối”. Như vậy, quyền tự chủ của một cơ sở giáo dục và đào tạo là quyền được tự tổ chức, quản lý các hoạt động của cơ sở một cách chủ động, tích cực, sáng tạo nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của cơ sở giáo dục và đào tạo. Chủ thể thực hiện quyền tự chủ là lãnh đạo của cơ sở giáo dục và đào tạo đó.

Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục và đào tạo được hiểu theo hai cấp độ: Cấp độ lớn là quyền tự chủ của cơ sở giáo dục và đào tạo đối với quyền điều hành, kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Cấp độ nhỏ hơn là quyền tự chủ trong nội bộ của cơ sở giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, trên thế giới có nhiều mô hình thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục và đào tạo tùy theo cách hiểu về vấn đề tự chủ, biểu hiện rõ nhất là trong thực hiện quyền tự chủ đại học. Có thể kể đên các mô hình như: Mô hình tự chủ độc lập (independent) ở Anh, Úc; Mô hình bán tự chủ (semi-autonomous) ở Pháp, Neww Zealand; Mô hình bán độc lập (semi-independent) ở Singapore; Theo xu hướng hiện nay, vai trò của nhà nước từ mô hình nhà nước kiểm soát cũng chuyển dần sang mô hình nhà nước giám sát trong thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Như vậy, việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo như thế nào thì cũng được thể hiện dưới hai hình thức cơ bản là tự chủ toàn diện và tự chủ không toàn diện ( bán tự chủ). Trong thực tế dù là theo mô hình tự chủ nào thì nhà nước cũng phải giữ vai trò giám sát, không đứng ngoài hoàn toàn. Khi cần thiết nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ, giải cứu và can thiệp khi có vấn đề nảy sinh từ thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo thường có bốn nội dung cơ bản là: Tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự; Tự chủ về thực hiện tuyển sinh, chương trình, giáo trình, quy trình đào tạo; Tự chủ về tài chính; Tự chủ về liên kết, hợp tác trong đào tạo. Trong đó, tự chủ về tài chính là vấn đề cốt lõi.

Về khái niệm trách nhiệm, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, trách nhiệm là “nhận cái việc ấy là phần của mình, mà gánh lấy- Lỗi phải chịu, công về mình” [1]. Như vậy tự chịu trách nhiệm được hiểu là chủ thể được giao quyền tự chủ ở cơ sở giáo dục và đào tạo phải chịu sự giám sát, đánh giá, được khen thưởng, vinh danh khi có công, bị xử lý kỷ luật, pháp luật khi vi phạm trong thực thi quyền lực được giao. Chủ thể thực hiện quyền tự chủ còn có nghĩa vụ phải giải trình khi có yêu cầu hoặc chất vấn từ các bên liên quan trong thực hiện quyền tự chủ. Đây cũng là trách nhiệm thường xuyên của chủ thể trong thực hiện quyền tự chủ. Do vậy thuật ngữ trách nhiệm ở đây còn được hiểu là trách nhiệm giải thích,trách nhiệm giải trình, trách nhiệm xã hội.

Thiết chế quyền tự chủ giáo dục của nhiều nước trên thế giới theo hướng quyền tực chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình. Ở Việt Nam thiết chế theo hướng quyền tự chủ đi liền với tự chịu trách nhiệm.

2.2. Mối quan hệ giữa quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm.

Song song với giao quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm. Quyền tự chủ đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó. Nếu giao quyền tự chủ mà không kèm theo trách nhiệm tương xứng thì là vô chính phủ. Nếu đề cao trách nhiệm mà không giao quyền lực tương xứng thì là bất khả thi, vô nguyên tắc.

Đọc thêm:  Hướng dẫn cách tính điểm nghề THPT 2022 dành cho học sinh

3. Thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.

3.1. Cách thức, điều kiện thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ta.

Nói chung, trong thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giao dục và đào tạo ở nước ta hiện nay không có hình thức tự chủ tuyệt đối. Ở các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập và một số cơ sở giáo dục và đào tạo có yếu tố nước ngoài chỉ có tự chủ toàn diện. Ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thực hiện quyền tự chủ không toàn diện nhất là trong tự chủ tài chính. Ở các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông việc thực hiện quyền tự chủ ở mức độ thấp hơn so với quyền tự chủ ở các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng cả về phạm vi và mức độ tự chủ.

Việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo vừa mang tính điều kiện vừa mang tính tự giác. Tính điều kiện yêu cầu chỉ có những cơ sở giáo dục và đào tạo hội đủ những điều kiện cần có và thông qua kiểm định thì mới được giao thực hiện quyền tự chủ. Tính tự giác yêu cầu các cơ sở giáo dục và đào tạo đương nhiên được thực hiện quyền tự chủ đối với các quyền không yêu cầu điều kiện và chủ thể tự giác thực hiện các quyền này ( giống như quyền tự có). Thí dụ quyền tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập, quyền tự chủ điều chỉnh thời lượng các bài dạy của giáo viên các trường phổ thông.

Về tổng thể, phương thức thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo như nêu trên là tương đối phù hợp với thực tiễn của nước ta. Tuy vậy cần phải hoàn thiện bổ sung phương thức này vì trong thực tế khi triển khai thực hiện còn gặp nhiều vấn đề vướng mắc vì chưa được rõ ràng, cụ thể.

3.2.Triển khai thực hiện.

Thiết chế quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo ở nước ta thể hiện trong Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012, các nghị định, nghị quyết của Chính phủ, diều lệ của các trường học từ mầm non đến đại học.

Việc thực hiện quyền tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo ở nước ta đã được Luật giáo dục năm 2005 ( bổ sung năm 2009) quy định tại điều 60 có 5 lĩnh vực tự chủ với nội dung : Các trường trung cấp, cao đẳng và đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật gồm có tự chủ về chương trình, giáo trình, kế hoạch giảng dạy; Tự chủ về tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp; Tự chủ về tổ chức bộ máy; Tự chủ về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực; Tự chủ về hợp tác trong và ngoài nước.

Các văn bản dưới luật như Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định về quyền tự chủ, tự chị trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Thông tư liên tịch 07/2009/TCCB-BGDĐT-BNV ngày 15/4/2009 của Liên bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện Nghị định 43 của Chính phủ, Nghị quyết 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017 và các điều lệ nhà trường ( trường đai học, trường trung cấp, trường mầm non, trường tiểu học, trường phổ thông có nhiều cấp học) ban hành đã làm rõ thêm về thực hiện các quyền tự chủ theo từng loại hình cơ sở giáo dục và đào tạo. Đến nay, đa số các trường mầm non, phổ thông công lập … đã được giao quyền tự chủ đi vào thực hiện Nghị định 43. Các cơ sở giáo dục đại học có 16 đơn vị được Chính phủ phê duyệt đề án thực hiện thí điểm quyền tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ, các cơ sở còn lại chưa đủ điều kiện thực hiện hoặc chưa có đề án .

Đọc thêm:  Nghề spa lương bao nhiêu? Cập nhật mới nhất thu nhập nghề spa

Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay chúng ta chưa có những tổng kết đánh giá đầy đủ về kết quả, kinh nghiệm thực hiện quyền tự chủ như thế nào. Hiện nay, quyền tự chủ đại học là lĩnh vực có nhiều ý kiến và bàn luận sôi nổi nhất trên các diễn đàn. Bên cạnh một số cơ sở giáo dục đại học tích cực tham gia thực hiện quyền tự chủ thì vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục đại học do dự, chưa sẵn sàng. Các nhà lập pháp và chính phủ cũng chưa thật đủ thông tin và thực tế để hoàn thiện và mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân của thực trạng là do trong thời gian dài nền giáo dục nước ta quen trong cơ chế bao cấp quản lý, cấp phát nguồn lực, xin – cho kinh phí nên sức trì kéo của hệ thống còn khá lớn. Mặt khác, chúng ta cũng chưa có những đúc kết đầy đủ về mô hình, kinh nghiệm thực hiện quyền tự chủ ở trong nước trong khi việc áp dụng các kinh nghiệm từ nước ngoài thì không được “bê nguyên xi”. Đến nay, việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo nhất là đối với giáo dục đại học, cao đẳng cũng chưa tạo được những chuyển biến đáng kể.

4. Những khuyến nghị.

Nhà nước nên hoàn thiện và tiếp tục mở rộng việc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Xin nêu các khuyến nghị.

4.1. Về cơ chế chính sách thực hiện quyền tự chủ.

+Trước mắt nên xóa bỏ cơ chế xin- cho trong phân bổ ngân sách, đầu tư cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cơ chế này còn tồn tại ở đâu đó nó sẽ tạo ra tiêu cực và cản trở thực hiện quyền tự chủ.

+Nên xoá cơ chế ” Bộ chủ quản” của các trường đại học, cao đẳng vì không còn phù hợp với cơ chế mới và để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

4.2. Về hoàn thiện một số thiết chê trong cơ chế mới.

+Nên xây dựng lại thiết chế hội đồng trường đủ mạnh, đủ quyền thực hiện chức năng nhiệm vụ trong cơ chế mới. Nên thống nhất gọi tên chung là hội đồng quản trị thay vì có ba tên gọi như hiện nay là hội đồng quản trị ( trường đại học ngoài công lập), hội đồng trường và hội đồng đại học ( trường và đại học công lập) như hiện nay.

4.3. Chú ý khắc phục những mặt trái của thực hiện quyền tự chủ.

+Khắc phục biểu hiện tăng học phí quá cao sau khi được giao quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng.

+ Khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học và tình trạng “ém chi kinh phí” để tăng kết dư hàng năm nhằm tăng thu nhập cho cho cán bộ, giáo viên của các trường phổ thông trong thực hiện Nghi định 43.

4.4. Về việc các cơ sở không đủ điều kiện thực hiện tự chủ sau năm 2020.

+ Đối với các cơ sở giáo dục đào tạo (cơ sở đào tạo đại học) trong diện thực hiện quyền tự chủ đến năm 2020 mà không hội đủ điều kiện thì nhà nước nên gia hạn thêm thời gian phù hợp, nếu vẫn không đạt thì nên đưa vào lộ trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể./.

NGƯT.TS Phạm Văn Khanh Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục tỉnh Tiền Giang

1. Đào Duy Anh (2013), Hán Việt từ điển, NXB Văn hóa Thông

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ pháp chế (2010), Luật giáo dục năm 2005 bổ sung năm 2009. NXB Giáo dục

3.Trung tâm từ điển học (1994), Tự điển Tiếng Việt, NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – Việt Nam.

4. Wikipedia. org Tự chủ đại học- thực trạng và giải pháp

Bá Duy

Bá Duy hiện tại là người chịu trách nhiệm chia sẻ nội dung trên trang viethanbinhduong.edu.vn với 5 năm kinh nghiệm chia sẻ kiến thức giáo dục tại các website lớn nhỏ.

Related Articles

Back to top button