Làm thinh là gì? Trong cuộc sống có nên làm thinh hay không?
Làm thinh là gì? Làm thinh là trạng thái như thế nào? Con người có nên làm thinh trong cuộc sống hay không? Những thắc mắc về cụm từ “làm thinh” sẽ được chúng tôi giải đáp ngay trong bài viết sau đây. Quý bạn đọc hãy theo dõi để hiểu thêm ý nghĩa của cụm từ làm thinh là gì nhé.
Làm thinh là gì? Có nên làm thinh trong cuộc sống không?
Trong cuộc sống chắc hẳn đã không ít lần bạn nghe tới cụm từ “làm thinh”. Vậy bạn đã hiểu làm thinh là gì, nó đem lại lợi ích hay tác hại gì cho chúng ta?
Khái niệm làm thinh là gì?
Làm thinh được hiểu là một từ chỉ trạng thái của con người được sử dụng rất phổ biến. Ở nhiều địa phương, nhất là ở vùng Tây Nam Bộ, người ta thường nói về cụm từ “làm thinh” với mục đích là để chỉ sự im lặng một cách có chủ đích của một cá nhân nào đó.
Làm thinh là gì?
Một số ý kiến về ý nghĩa của cụm từ làm thinh bạn có thể tham khảo để hiểu hơn về bản chất cũng như nguồn gốc vì sao lại có cụm từ “làm thinh”. Cụ thể:
– Trong cuốn từ điển tiếng Việt do tác giả Hoàng Phê chủ biên cũng nhận định khái niệm làm thinh là gì rằng: làm thinh là cố ý giữ im lặng (trước một sự việc, một vấn đề nào đó), không nói năng hay tỏ bất cứ thái độ nào về sự việc đó.
– Chữ “thinh” trong từ làm thinh cũng chính là “thinh” trong từ nín thinh, lặng thinh. Nó là biến âm của từ “thanh” (声) có nghĩa là “tiếng động”. Như vậy câu hỏi đặt ra là “làm thinh” phải được hiểu là “làm ra tiếng” hay “tạo ra tiếng”, vậy tại sao làm thinh lại có nghĩa là cố ý im lặng.
Để trả lời câu hỏi này, trong cuốn sách Việt Nam tự điển của tác giả Lê Văn Đức đã nêu ra rằng: “Làm thinh còn được gọi một cách khác đó là hàm thinh. Cả hai từ này đều có nghĩa là ngậm tiếng lại, không nói ra. Như vậy từ làm thinh có từ gốc ban đầu là hàm thinh, trong đó “hàm” (含) trong tiếng Hán có nghĩa là ngậm, nuốt, chứa đựng. Do đó làm thinh (hay hàm thinh) được hiểu là (cố ý) im lặng để không phát ra tiếng.
Ngoài ra khái niệm làm thinh là gì còn được hiểu là trạng thái không nói năng gì, không bày tỏ ý kiến cảm xúc hay thái độ gì. Chung quy lại là cố tình làm như không biết gì hết.
>>Xem thêm: Tử tế là gì? Giá trị của sự tử tế trong cuộc sống
Đâu là biểu hiện “làm thinh”?
Biểu hiện của trạng thái làm thinh tuy dễ nhưng lại cũng rất khó để phát hiện. Xét về lý thuyết, khi một ai đó làm thinh họ sẽ cố gắng tỏ ra không quen, không biết, không quan tâm, không nghe, không thấy cho dù sự việc đó có diễn ra trước sự chứng kiến của họ. Như vậy một người được cho là làm thinh trước một vấn đề thì họ thường cố ý lảng tránh, không muốn nhắc đến vấn đề đó.
Biểu hiện của làm thinh là gì?
Đôi khi vì có ý muốn làm thinh nên nhiều người sẽ biểu hiện giống như sự thờ ơ, lãnh đạm, coi những điều đang xảy ra trước mắt là không quan trọng, không cần bận tâm và không thèm để ý tới nó. Do đó đôi khi người khác sẽ đánh giá thái độ “làm thinh” một cách tiêu cực và có thể gây khó chịu cho những người xung quanh.
Một số ví dụ minh họa giúp bạn hiểu hơn biểu hiện sự trạng thái “làm thinh” là gì.
– Tôi hỏi Nam chiếc chìa khóa xe máy để ở đâu nhưng anh ấy làm thinh như không nghe thấy gì.
– Dù mẹ đã dặn không được đi về khuya nhưng cô ấy vẫn làm thinh.
– Đã bảo trong tủ lạnh hết rau mà nó vẫn làm thinh không đi chợ.
– Thấy bạn nữ kia bị rơi đồ nhưng mà anh ta làm thinh như không biết gì.
Làm thinh tốt hay xấu?
Phần lớn sự làm thinh của con người đều mang đến một ý nghĩa không mấy tích cực. Bởi bản chất của sự “làm thinh” là cố ý im lặng tỏ ra không liên quan nên đôi khi sẽ khiến cho những người xung quanh cảm thấy bực bội bởi thái độ thờ ơ đó.
Làm thinh tốt hay xấu?
Theo quan sát thông thường người ta làm thinh một việc gì đó đều với mục đích là để bản thân mình không bị vướng bận hay dính dáng tới những vấn đề của người khác. Cùng với đó cũng có không ít trường hợp luôn làm thinh mọi thứ vì sự lười biếng, không muốn vận động hay suy nghĩ điều gì cả.
Như trong ví dụ chúng tôi đã chia sẻ “Đã bảo trong tủ lạnh hết rau mà nó vẫn làm thinh không đi chợ” người nghe dù đã tiếp nhận thông tin là “hết rau” nhưng vẫn cố tỏ ra không biết gì. Có thể vì muốn ỉ lại công việc, hoặc do lười biếng, hoặc không muốn đi chợ nên người đó đã giả vờ như chưa nghe. Như vậy bạn có thể thấy rằng, làm thinh thật sự là một điều có vẻ như không tốt đối với chúng ta.
Trên thực tế, mọi người đều được khuyên nhủ rằng trong cuộc sống đừng làm thinh khi chúng ta có thể làm được. Chúng ta có thể giúp đỡ người khác, chúng ta có thể làm việc vậy thì chẳng có lý do gì lại cố ý làm thinh. Điều này vừa tạo một thói quen xấu cho bản thân vừa khiến người khác đánh giá về mình không tốt.
Giải đáp câu nói “Khi không biết làm gì thì làm thinh” là gì?
Câu nói “khi không biết làm gì thì nên làm thinh” xuất hiện trong một video phỏng vấn nữ ca sĩ Lê Cát Trọng Lý từ cách đây vài năm. Nội dung chính trong video là chia sẻ của Lê Cát Trọng Lý về khoảng thời gian khó khăn của bản thân trong quá trình định hình lối đi âm nhạc cho riêng mình.
Ca sĩ này nói rằng có những giai đoạn mình thực sự rất rối bời vì không biết phải làm gì với sự nghiệp của mình và cuộc đời mình, Nguyên văn câu nói của ca sĩ Lê Cát Trọng Lý đó là “Khi không biết làm gì, thì làm thinh thôi chứ sao giờ”. Đây là câu nói khi nữ ca sĩ đang kể lại khoảng thời gian rối bời vì không biết phải làm gì với cuộc đời và sự nghiệp của mình. Sau khi đoạn phỏng vấn được đăng tải trên mạng xã hội, câu nói này đã nhanh chóng trở nên viral trên mọi nền tảng internet và được giới trẻ sử dụng phổ biến sau đó.
Giải đáp câu “khi không biết làm gì thì làm thinh”
Có lẽ câu nói “khi không biết làm gì thì làm thinh” thu hút và gây ấn tượng với giới trẻ như vậy là vì nó khá đúng với thực trạng của không ít bạn trẻ ngày nay. Khi mà họ ở trong cái độ tuổi mới lớn, chưa đủ vững trãi và chưa có nhiều trải nghiệm nên dễ bị mất phương hướng của mọi thứ từ học tập, công việc, các mối quan hệ,…
Khi nghe tới câu nói của nữ ca sĩ, nhiều bạn trẻ đã đồng cảm rằng họ cũng đang rơi vào trạng thái không biết mình là ai, mình muốn gì, mình cần phải làm gì. Vì vậy họ chỉ cứ sống lay lắt qua ngày mà không biết phải làm sao, không có động lực để phấn đấu, không có nơi để chia sẻ nỗi niềm. Và cứ thế, họ dần dần trở nên thờ ơ, lãnh đạm với thế giới. Họ bắt đầu “làm thinh với mọi thứ”.
Làm thinh đôi khi sẽ làm cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm, không vướng bận nhưng sâu xa thì nó giống như bức tường vô hình đẩy bạn tách biệt ra khỏi mọi người. Ngay thời điểm bạn làm thinh với một sự việc cũng chính là lúc bạn đang bước một bước ra xa mọi người.
Bài viết trên đây chúng tôi vừa chia sẻ tới các bạn khái niệm làm thinh là gì, biểu hiện cũng như ý nghĩa của trạng thái làm thinh. Hy vọng nội dung bài viết có thể giúp bạn tiếp cận với những kiến thức xã hội mới mẻ và hữu ích.