9 nguyên tắc giao tiếp với cấp trên giúp bạn thăng tiến nhanh chóng
Sự cạnh tranh nơi công sở chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có những người làm việc bao năm vẫn chỉ ở nguyên một chỗ, không thể tiến thêm, trong khi người khác lại có thể thăng tiến một cách nhanh chóng.
Đừng đổ cho số phận hay ngồi đó và nói rằng là do ai đó may mắn, chiêu trò hơn bạn. Trên thực tế, chỉ cần bạn nắm vững kỹ năng giao tiếp với sếp và nghệ thuật cư xử, bạn có thể nhận được sự tin tưởng của sếp mà không cần dựa vào những lời xu nịnh. Dưới đây là 9 nguyên tắc trong giao tiếp với cấp trên mà bạn cần nhớ:
1. Tôn trọng và không xu nịnh
Cấp dưới nên hoàn toàn tôn trọng cấp trên, duy trì uy quyền của cấp trên về mọi mặt và hỗ trợ tốt sếp của mình trong công việc. Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất trong văn hoá cư xử với cấp trên chính là tôn trọng. Chỉ khi bạn tôn trọng người khác, thể hiện sự thiện chí, bạn mới có thể xây dựng nên những mối quan hệ tốt đẹp.
Tuy nhiên, đừng vì muốn giữ chắc ghế của mình hay thăng chức thật nhanh mà trở thành kẻ xu nịnh, gió chiều nào xoay theo chiều đó. Sếp của bạn đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là người có năng lực và thực sự cần thiết cho công ty.
2. Yêu cầu hướng dẫn, không dựa dẫm
Hãy mạnh dạn, có trách nhiệm và sáng tạo trong công việc của mình. Khi gặp khó khăn, đừng ngại yêu cầu những sự trợ giúp. Tuy nhiên, bạn vẫn phải là người chủ chốt trong giải quyết việc đó, đề nghị giúp đỡ chứ không phải dựa dẫm hoặc sinh tâm lý chờ đợi.
3. Chủ động và không vượt quá quyền hạn của mình
Chủ động trong công việc, dám nói lên ý kiến và trình bày quan điểm của bản thân mình. Đừng chỉ ngồi một chỗ và nói rằng ai đó không hỏi đến bạn. Nhớ rằng người chủ động sẽ tạo ra cơ hội cho mình, không chỉ ngồi chờ cơ hội đến.
Tất nhiên, sự chủ động, mạnh dạn và có trách nhiệm của cấp dưới phải giúp duy trì quyền lực của cấp trên và duy trì sự đoàn kết trong nhóm. Đừng lấy chủ động làm cái cớ để vượt quyền của mình, qua mặt cấp trên.
4. Nói ngắn gọn và nêu bật những điểm chính
Hãy tìm hiểu để biết sếp của mình thuộc loại tính cách nào. Với mỗi kiểu tính cách, bạn sẽ có cách tiếp cận giao tiếp khác nhau sao cho phù hợp. Nhìn chung, khi nói chuyện, trình bày với cấp trên, hãy luôn đảm bảo rằng bạn đang nói đơn giản và rõ ràng, ngắn gọn và xúc tích, tập trung vào vấn đề mà sếp quan tâm nhất.
5. Mỉm cười và tự tin
Khi nói chuyện với mọi người, ngôn ngữ cơ thể của một người có thể truyền tải 50% thông tin. Nếu tự tin vào các kế hoạch và đề xuất của mình, người đó sẽ không quan trọng rằng trước mặt mình là ai. Ngược lại, nếu thiếu tự tin với đề xuất của mình, người đó sẽ không thể nào thực hiện bài thuyết trình tốt. Nụ cười và phong thái tự tin của bạn sẽ nhanh chóng ghi điểm với bất kỳ người lãnh đạo nào.
6. Nhanh chóng nhận nhiệm vụ
“Tôi sẽ giải quyết ngay”, chỉ một câu trả lời ngắn gọn và đầy bình tĩnh như vậy sẽ giúp bạn gửi đến cấp trên của mình thông điệp về sự chuyên nghiệp và hiệu quả. Đừng mang thái độ không tốt, ý kiến này kia khi vừa nhận nhiệm vụ và chưa thực sự tìm hiểu. Điều đó chỉ khiến bạn trông như đang muốn chọc tức sếp mà thôi.
7. Bình tĩnh khi đối mặt với những lời chỉ trích
Dù bạn là ai, làm việc trong môi trường nào, bạn cũng có thể phải đối mặt với những lời chỉ trích. Những lời này thường không mấy dễ dàng để nghe nhưng người khôn ngoan sẽ biết biến những lời chỉ trích thành nguồn sức mạnh cải thiện bản thân mình.
Nếu người chỉ trích bạn là cấp trên, đừng thể hiện sự không hài lòng của mình ngay trên khuôn mặt. Hãy gửi thông điệp đến đối phương rằng bạn đã hiểu được vấn đề và mạnh dạn đưa ra câu hỏi nếu bạn chưa hiểu mình sai ở đâu. Tất nhiên, việc đặt câu hỏi cũng cần với sự khéo léo, thái độ phù hợp. Làm được điều này, bạn đang thể hiện mình là người chuyên nghiệp, mong muốn cải thiện bản thân mình và hoàn thành tốt hơn trong nhiệm vụ tiếp theo.
8. Tôn trọng sếp của bạn, đừng làm tổn thương lòng tự trọng của sếp
Một rất quan trọng mà bạn cần lưu ý chính là dù điều gì xảy ra, sếp vẫn là sếp của bạn. Dù bạn thấy bản phân tích, kế hoạch dự án mình xây dựng thực tế thế nào, hoàn hảo ra sao thì bạn cũng không thể ép cấp trên của mình cũng phải thấy vậy và lựa chọn chúng.
9. Những điểm cần lưu ý khi trao đổi với cấp trên
Giữ nụ cười tự tin từ đầu cuộc trò chuyện đến cuối cuộc trò chuyện, nói với âm lượng vừa phải.
Hãy khéo léo chọn thời điểm để nói chuyện khi sếp vui vẻ và tràn đầy năng lượng.
Luôn chuẩn bị đầy đủ thông tin, số liệu cần thiết cho kế hoạch của mình trước khi trình bày với sếp.
Hãy tử tế và thân thiện khi nói chuyện với sếp, tôn trọng quyền hạn của sếp.