Cao học là gì? Một số điều bạn nên cân nhắc trước khi … – JobsGO
Nhu cầu học tập ngày càng phát triển ở Việt Nam. Ngày nay nhiều người không chỉ dừng lại ở việc học đại học, họ có xu hướng muốn học cao lên vì nhiều mục đích khác nhau. Vậy học cao học là gì? Cần lưu ý những vấn đề nào trước khi học cao học? Trong bài viết này JobsGO sẽ cùng các bạn tìm hiểu về chủ đề này.
Học cao học là gì?
Học cao học hay còn được hiểu là học thạc sĩ là bậc học sau đại học. Sau khi học xong đại học, nếu bạn muốn có nhu cầu học tập, nghiên cứu chuyên sâu hơn về lĩnh vực mình quan tâm, bạn có thể thi lên cao học. Trung bình thời gian để bạn hoàn thành chương trình học thạc sĩ là từ 1-2 năm tùy vào ngành học và ngôi trường bạn lựa chọn.
👉 Xem thêm: Học bổ túc là gì?
Học cao học nên hay không?
“Học cao học nên hay không” – đây là một câu hỏi khó để trả lời vì nó mang tính cá nhân cao. Việc học cao học sẽ phụ thuộc vào mục tiêu, định hướng tương lai, tình hình tài chính… của bạn. Đối với nhiều người, việc học chính quy dừng lại ở bằng tốt nghiệp đại học (hay thậm chí sớm hơn). Họ không có ý định học lên thạc sĩ mà muốn dành thời gian đi làm, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong thực tế.
Ngược lại với những người khác, họ muốn trau dồi kiến thức chuyên sâu trong môi trường chính quy. Đối với họ, việc học cao hơn là cần thiết và quan trọng cho quá trình phát triển bản thân. Bởi vậy, thay vì phân vân với câu hỏi trên, bạn nên tự hỏi chính mình rằng: “Học thạc sĩ có thực sự cần thiết cho mình hay không?”, “Định hướng tương lai của tôi là gì?”
👉 Xem thêm: Đại học & trường nghề: Đâu mới là lựa chọn đúng?
Học cao học khác gì so với học đại học?
Học cao học và học đại học có rất nhiều điểm khác biệt hoàn toàn có thể kể đến như:
- Thứ nhất, nếu khi học đại học bạn vẫn mang cảm giác chênh vênh, có nhiều môn học đại cương không liên quan đến chuyên ngành thì học cao học sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc, các kiến thức gần nhất với nhu cầu công việc. Ngoài ra, học cao học còn mang đến cơ hội tuyệt vời để bạn luyện tập, phát triển kỹ năng quản lý bản thân, quản lý thời gian và làm việc nhóm tốt hơn.
- Thứ hai, học cao học sẽ giúp bạn mở rộng mối quan hệ, kết nối với nhiều người giỏi trong cùng lĩnh vực. Đối tượng học thạc sĩ thường là những người đã tốt nghiệp, đã đi làm một vài năm, thậm chí có những người có thâm niên đi làm lâu năm. Học viên cùng lớp có độ tuổi, vốn sống và có mục đích học tập rõ ràng, nghiêm túc. Chính vì vậy, môi trường học thạc sĩ thường nghiêm túc, trưởng thành và thực tế hơn môi trường đại học. Các học viên thường có xu hướng kết nối tạo thành mạng lưới công việc – công tác. Khi biết tận dụng, đây sẽ là nền tảng tốt để phát triển sự nghiệp. Một điểm lợi ích khi học cao học so với đại học là, ở môi trường này mọi người thường phải hy sinh một điều gì đó ( như tiền bạc, thời gian, gia đình, công việc) để đi học. Nên hầu hết mọi người rất chú tâm vào việc học và có tinh thần cầu tiến cao.
- Thứ ba, khoảng thời gian học cao học cũng mang lại nhiều thay đổi trong tư duy cho người học. Từ đó, họ sẽ mở rộng góc nhìn mới về ngành nghề đang học cũng như suy nghĩ sâu sắc hơn về sự nghiệp tương lai.
Học cao học có tương đương với lương cao hơn?
Câu trả lời cho câu hỏi trên là không hẳn. Đúng là ở một số vị trí và mô hình công việc, bằng cấp giúp bạn đạt được nhiều lợi thế hơn.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, học vị cao khiến bạn phải cạnh tranh ở cấp độ cao hơn, bị kỳ vọng nhiều hơn, áp lực phải chứng tỏ năng lực bản thân. Vì vậy, bạn không nên giữ suy nghĩ rằng cứ có bằng thạc sĩ là cơ hội sẽ tự đến với mình một cách dễ dàng. Điều mà học thạc sĩ có thể giúp bạn là tích lũy kiến thức chuyên môn, xây dựng mối quan hệ với nhiều người giỏi hơn trong cùng lĩnh vực.
👉 Xem thêm: Học sư phạm ra làm gì? Học sư phạm có dễ xin việc?
Cần chuẩn bị gì trước khi học cao học?
Trước khi quyết định đi học cao học bạn nên cân nhắc một vài câu hỏi sau:
- Tại sao bạn muốn học lên cao học?
- Bạn có muốn tiếp tục học ngành này lên cao hay bạn muốn chuyển ngành khác?
- Mục tiêu sau khi học thạc sĩ của bạn là gì? Bạn muốn làm gì sau khi học xong?
- Học cao học sẽ phải đánh đổi thời gian (có thể là cuối tuần, buổi tối sau khi đi làm). Bạn có sẵn sàng cam kết tập trung vào việc học mà không bỏ dở giữa chừng?
- Chương trình học bạn mong muốn sẽ như thế nào?
- Bạn lựa chọn trường đại học nào để học cao lên?
Sau khi trả lời được hết câu hỏi trên và bạn quyết tâm học thạc sĩ thì bước tiếp theo là lựa chọn chương trình học. Bạn nên chọn lựa khóa học có uy tín, bằng cấp được công nhận, giảng viên có trình độ chuyên môn rõ ràng. Một điểm lưu ý nữa là mạng lưới quan hệ ở bậc cao học là vô cùng cần thiết. Chính vì vậy bạn nên tìm hiểu mạng lưới cựu sinh viên, đối tác doanh nghiệp, cơ hội trao đổi của nhà trường có thực sự mạnh để bạn tận dụng nối dài sự nghiệp sau khi kết thúc chương trình học hay không. Nếu có điều kiện, tốt nhất bạn hãy đến thăm quan trường, học thử một vài buổi học hoặc liên hệ với giảng viên để chắc chắn bạn đã hiểu rõ về trường.
Hãy vững vàng và đừng bỏ cuộc trong quá trình học
Trong khoảng thời gian học cao học, bạn sẽ gặp khá khó khăn. Điển hình là khó khăn về tài chính và áp lực thời gian. Khi học đại học, hầu như chúng ta không phải lo về vấn đề tiền bạc, chỉ cần chú tâm học hành. Ngược lại khi học thạc sĩ, nhiều anh chị vừa phải tự đi làm kiếm tiền vừa đi học, thậm chí nhiều người còn vướng bận việc gia đình nên sẽ ảnh hưởng đến việc học. Tuy nhiên, đừng vì thế mà bạn nản chí, khi muốn bỏ cuộc hãy nghĩ về lý do vì sao bạn bắt đầu. Bạn hãy vững bước, đưa bản thân ra khỏi vòng an toàn và tận dụng cơ hội học tập quý giá này.
Bên cạnh đó, bạn hãy chú ý học hỏi từ những người bạn xung quanh, kết nối với họ. Biết đâu bạn lại tìm được cơ hội việc làm tuyệt vời hay học hỏi thêm kỹ năng mới trong công việc.
👉 Xem thêm: Học tại chức là gì? Những thông tin và kiến thức bạn cần biết
Hành trình học cao học sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm quý báu trong cuộc sống. Khi xác định rõ chí hướng, làm chủ con đường chính mình, bạn sẽ tìm ra câu trả lời chính xác cho việc học thạc sĩ có đáng không? Hy vọng những chia sẻ của JobsGO về câu chuyện học cao học trong bài viết trên sẽ giúp ích đối với bạn.
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)