Nguyên nhân gây nổi mề đay và cách phòng ngừa hiệu quả
Nổi mề đay là một trong các tình trạng dị ứng thường gặp, ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh. Nguyên nhân gây nổi mề đay rất đa dạng và khác nhau ở mỗi người. Nắm được nguyên nhân dẫn đến tình trạng này sẽ giúp chủ động phòng ngừa hiệu quả hơn cũng như giảm mức độ nguy hiểm của bệnh.
04/12/2021 | Nổi mề đay do lạnh: cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả12/07/2021 | Các nguyên nhân gây nổi mề đay thường gặp nhất17/01/2021 | 3 cách xử lý khi bị nổi mề đay vào buổi tối có thể bạn chưa biết!
1. Nguyên nhân gây nổi mề đay
Thực tế tình trạng ngứa nổi mề đay toàn thân là kết quả của quá trình dị ứng, nghĩa là hệ miễn dịch phản ứng quá mức với chất gây dị ứng. Chất này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích hệ miễn dịch, khiến cơ thể giải phóng hoạt chất histamin. Chất này có tác dụng loại bỏ tác nhân gây dị ứng, tuy nhiên cũng khiến cơ thể có phản ứng dị ứng.
Nổi mề đay là tình trạng dị ứng trên da thường gặp
Phản ứng dị ứng rất đa dạng, trong đó nổi mề đay và sưng da khá thường gặp, có thể xuất hiện độc lập hoặc đi kèm với dấu hiệu dị ứng khác tùy theo mức độ bệnh. Tình trạng bệnh có thể xảy ra tại một vùng da hoặc trên nhiều vùng da của cơ thể tùy vào lượng tác nhân dị ứng cũng như phản ứng quá miễn của cơ thể.
Về nguyên nhân gây nổi mề đay, hay tác nhân dị ứng rất đa dạng, thường gặp như:
-
Dị nguyên trong không khí như: bào tử nấm, vảy da động vật, lông thú vật, phấn hoa, bụi bẩn,…
-
Nhiễm trùng do vi khuẩn như: nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng do liên cầu khuẩn.
-
Độc tố do côn trùng đốt.
Nổi mề đay có thể do côn trùng đốt
-
Thành phần thực phẩm, thường các loại thực phẩm dễ gây dị ứng gồm: đậu phộng, trứng, cá, sữa, động vật có vỏ,…
-
Thành phần của thuốc: thuốc điều trị tăng huyết áp ức chế men chuyển, codeine, thuốc kháng viêm không steroid.
-
Thân nhiệt thay đổi đột ngột do nhiệt độ môi trường quá nóng hoặc quá lạnh đột ngột hoặc do thân nhiệt tăng sau khi hoạt động thể chất.
-
Chất liệu quần áo hoặc đồ dùng cá nhân như cao su, chất tẩy rửa, thành phần kem dưỡng da.
-
Rối loạn nội tiết tố d giai đoạn mãn kinh, mang thai hoặc mắc bệnh về tuyến giáp.
-
Bệnh tự miễn.
Nguyên nhân gây nổi mề đay mạn tính vẫn chưa được xác định, song các nhà khoa học cho rằng có liên quan đến hệ miễn dịch của người bệnh.
2. Nổi mề đay có nguy hiểm không?
Thực chất tình trạng nổi mề đay là do bệnh dị ứng, nghĩa là hệ miễn dịch đang phản ứng quá miễn khi tiếp xúc với dị nguyên với sự tham gia của chất histamin. Triệu chứng này gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, sinh hoạt của người bệnh, ngoài ra cũng ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ.
Cẩn thận nổi mề đay đi kèm với triệu chứng dị ứng nguy hiểm
Nổi mề đay lại có thể xảy ra ở nhiều vùng da với diện tích rộng, đôi khi còn đi kèm với triệu chứng khác như: sưng mạch ở khí quản, thở gấp, khó thở, nghẹt thở, tiêu chảy, nôn ói, phù nề não, tụt huyết áp đột ngột,… Tùy theo lượng histamin phóng thích và phản ứng quá miễn của cơ thể mà nổi mề đay có thể là lành tính hoặc là dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp.
Các trường hợp nguy hiểm cần can thiệp sớm là khi nổi mề đay đi kèm các dấu hiệu sau:
-
Sưng mạch khí quản và vùng họng dẫn đến khó thở, nghẹt thở, thiếu oxy.
-
Phù nề não dẫn đến tình trạng tinh thần không tỉnh táo, lơ mơ,…
-
Giãn mạch nhanh dẫn đến tụt huyết áp đột ngột, người bệnh choáng váng mất cân bằng.
Các dấu hiệu trên có thể nhanh chóng dẫn đến sốc phản vệ và tử vong nếu không kịp thời can thiệp, do vậy không nên chủ quan nếu có dấu hiệu bệnh dị ứng.
Để loại bỏ triệt để bệnh nổi mề đay, cần tìm ra và loại bỏ nguyên nhân gây dị ứng song thực tế hầu hết bệnh nhân thường điều trị triệu chứng. Bệnh có thể tái phát khi cơ thể tiếp xúc lại với dị nguyên từ môi trường khi người bệnh chưa xác định được chính xác để cách ly tránh xa.
Nổi mề đay thường tự hết sau một vài ngày
Nổi mề đay thông thường không kéo dài, triệu chứng bệnh sẽ giảm dần theo thời gian và khỏi hoàn toàn sau một vài ngày. Một số trường hợp bệnh kéo dài hoặc tái phát liên tục có tính chất theo mùa thì triệu chứng kéo dài hơn do không thể loại bỏ được hoàn toàn dị nguyên tiếp xúc.
3. Làm gì để phòng ngừa nổi mề đay
Nổi mề đay có nhiều nguyên nhân phức tạp và khó loại bỏ hoàn toàn khỏi môi trường sống, chỉ khi tìm ra nguyên nhân và loại bỏ hoàn toàn mới có thể phòng ngừa bệnh triệt để. Để phòng ngừa và giảm nguy cơ tái phát, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
-
Người có cơ địa nhạy cảm nên hạn chế tiếp xúc với chất tẩy rửa mạnh, cần lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da lành tính như: xà bông tắm, phấn rôm, sữa tắm, kem dưỡng da,…
-
Người bị nổi mề đay do lạnh cần giữ ấm cơ thể, dùng khăn và áo kín khi thời tiết chuyển mùa lạnh. Ngoài ra, cũng cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với tác nhân có thể gây dị ứng nổi mề đay như: bụi bẩn, phấn hoa, côn trùng,…
-
Tránh mặc quần áo quá chật, làm từ chất liệu dễ gây kích ứng da như: da lộn, bố, len,… chà xát trực tiếp lên da.
-
Giữ vệ sinh cơ thể tốt, dùng đồ bảo hộ như quần áo dài, găng tay, ủng,… khi di chuyển đến vùng ẩm ướt, có nhiều côn trùng.
-
Hạn chế sinh hoạt trong môi trường có độ ẩm thấp như dùng máy lạnh, điều hòa,… khiến da bị khô và dễ bị kích ứng hơn.
Nổi mề đay trên da có thể phòng ngừa bằng cách giữ ẩm tốt cho da
-
Ăn nhiều thực phẩm giải nhiệt cơ thể như: nước ép trái cây, củ cải, mướp đắng, bí đao, đậu phụ,…
-
Ngủ đủ giấc, tránh thức quá khuya và giữ tinh thần thoải mái.
Nếu tình trạng nổi mề đay thường xuyên tái phát và không tìm được nguyên nhân chính xác, hãy đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán. Bác sĩ có thể thông qua khai thác tiền sử bệnh, dấu hiệu, thói quen sinh hoạt,… cùng các xét nghiệm để xác định chính xác dị nguyên. Từ đó người bệnh có thể kiểm soát tình trạng nổi mề đay và phòng ngừa bệnh hiệu quả hơn.
Như vậy, nguyên nhân gây nổi mề đay rất đa dạng, phức tạp và khó xác định chính xác. Mặc dù bệnh hầu như không nguy hiểm đến tính mạng song người bệnh không nên chủ quan, để bệnh kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt. Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.