Khối S: Khám phá những môn thi và ngành nghề đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật
Khối S là tổ hợp các môn thi năng khiếu dành cho những bạn trẻ đam mê với lĩnh vực điện ảnh, sân khấu,… cùng một số ngành nghề khác trong lĩnh vực nghệ thuật.
Nếu bạn ấp ủ ước mơ trở thành một diễn viên, biên kịch, đạo diễn,… trong tương lai, việc bạn cần làm ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường là chuẩn bị cho mình những thông tin cần thiết về Khối S – Một trong những khối thi thiên về các ngành nghề năng khiếu và cũng chính là mục tiêu mà bạn đang hướng đến.
Khối S: Tạo ra các môn thi nào?
- Theo quy chế tuyển sinh Cao đẳng, Đại học của bộ Giáo dục & Đào tạo, Khối S được chia thành 02 nhóm nhỏ bao gồm các môn thi khác nhau, cụ thể như sau:
- Khối S00 bao gồm tổ hợp các môn Ngữ văn, Năng khiếu SKĐA 1, Năng khiếu SKĐA 2. Trong đó, điểm môn ngữ văn sẽ được lấy từ điểm thi THPT Quốc Gia.
- Khối S01 bao gồm tổ hợp các môn Toán, Năng khiếu SKĐA 1, Năng khiếu SKĐA 2. Trong đó, điểm thi môn toán sẽ được lấy từ điểm thi THPT Quốc Gia.
Do đặc thù là ngành nghề có thiên hướng về năng khiếu. Nên trong tổ hợp môn bạn sẽ nhận thấy rằng chỉ có 01 môn cơ bản là Toán hoặc Văn, nhưng sẽ có đến 02 môn năng khiếu.
Khối S gồm những ngành nghề nào?
Hiện nay, ngành giải trí của nước ta đang phát triển mạnh mẽ. Rất nhiều diễn viên, đạo diễn tài năng được săn đón bởi tài năng và diễn xuất, cũng như sự cống hiến trong nghề. Là một người đam mê lĩnh vực giải trí, chắc hẳn là khi nhắc đến đây thì trong đầu bạn sẽ hiện ngay đến tên của một số người nổi tiếng phải không nào.
Cùng với sự đầu tư bày bản và chỉn chu về hình thức chuyên môn cũng như chất lượng giảng dạy mà khối S đã dần trở nên được khuyến khích dự thi nhiều hơn. Ngoài ra, những thành công của các bậc đi trước đã tiếp nối cho thế hệ trẻ đam mê hơn với nghệ thuật, nên số lượng thí sinh đăng ký khối S luôn tăng dần theo từng năm.
Khối S không chỉ riêng đào tạo diễn viên, mà còn bao gồm đa dạng ngành nghề khác liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, thu hút sự quan tâm của các thí sinh đang nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật như:
- Quay phim điện ảnh
- Quay phim truyền hình
- Đạo diễn điện ảnh
- Đạo diễn sân khấu
- Đạo diễn truyền hình
- Lý luận, phê bình điện ảnh – truyền hình
- Biên kịch điện ảnh – truyền hình
- Nhiếp ảnh
- Thiết kế mỹ thuật sân khấu – điện ảnh
- Diễn viên kịch – Điện ảnh – Truyền hình
- Diễn viên sân khấu kịch hát
- Biên đạo múa
- Huấn luyện viên múa
Điều kiện dự thi, lưu ý đối với thí sinh khối S
1. Điều kiện dự thi Khối S
Giống như những khối thi cơ bản như khối A, B, C, D,… thì khối S cũng có những điểm xét tuyển theo đề án chung thi THPT quốc gia. Thí sinh đã tốt nghiệp THPT theo hình thức hệ giáo dục chính quy, hệ giáo dục thường xuyên, hệ trung cấp chuyên nghiệp, hệ trung cấp nghề.
Những thí sinh thi khối S đều cần phải tốt nghiệp THPT hoặc tương đương. Riêng nhóm ngành múa yêu cầu thí sinh phải tốt nghiệp Trung cấp hoặc Đại học Nghệ thuật Múa.
Ngoài ra, yếu tố sức khỏe cũng được ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Hãy chắn rằng bạn có một sức khỏe tốt để có thể theo đuổi những ngành nghề đòi hỏi sự nỗ lực cao này.
2. Lưu ý đặc biệt đối với một số ngành khối S
Là một khối thi chuyên về những ngành nghệ thuật như sân khấu, điện ảnh cũng như đặc thù thường xuyên phải xuất hiện ở nơi công chúng. Vì vậy, ở một số ngành nghề dự thi Khối S không chỉ cần tố chất năng khiếu, mà còn đòi hỏi ở thí sinh một số tiêu chí về ngoại hình, chiều cao theo tiêu chuẩn được đưa ra.
Ngành sân khấu điện ảnh, diễn viên chèo, cải lương, múa rối:
- Về chiều cao: Yêu cầu chiều cao từ 1m65 đối với nam và 1m55 đối với nữ.
- Về độ tuổi: Từ 17 đến 22 tuổi.
- Về ngoại hình: Yêu cầu dáng người cân đối, không khuyết tật thể hình.
- Về giọng nói: Không nói ngọng, nói lắp, giọng nói và giọng hát tốt.
- Ngoài ra, khi đi thi thí sinh không được phép mặc áo dài, váy và không được trang điểm.
Ngành Điện ảnh, Truyền hình, Nhiếp ảnh và ngành Đạo diễn Sân khấu:
- Các thí sinh khi đăng ký dự thi những ngành này phải nộp kèm bài viết, kịch bản, truyện ngắn, ảnh chụp… tùy theo yêu cầu riêng của từng ngành. Sau đó gửi về ban thư ký tuyển sinh theo đúng thời hạn tuyển sinh mà nhà Trường đưa ra.
Ngành Quay phim và Nhiếp ảnh:
- Yêu cầu phải biết sử dụng máy ảnh cơ để thực hiện bài thi.
Ngoài ra, khi đi dự thi bạn nên chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái nhất cùng sự tự tin bộc lộ năng khiếu trên sân khấu để đạt kết quả tốt nhất.
3. Hình thức dự thi khối S
- Về hình thức, những thí sinh dự thi đạt ở vòng sơ tuyển mới được vào dự thi vòng chuyển tuyển.
- Điểm trung bình các môn năng khiếu vòng chung tuyển được nhân hệ số 2 để cộng vào tổng điểm, với từng ngành đặc thù có những đặc điểm khác nhau.
3.1. Ngành Biên Kịch Điện Ảnh
- Vòng Sơ tuyển: Thí sinh trải qua vòng thi viết kiến thức văn học nghệ thuật và kiến thức chung văn hoá xã hội.
- Vòng Chung tuyển: Thí sinh trải qua 3 bài thi.
- Bài thứ nhất: Viết một bài sáng tác tiểu phẩm điện ảnh (hệ số 2).
- Bài thứ hai: Bài thi vấn đáp – Kiến thức về điện ảnh, trình bày khả năng sáng tác kịch bản.
- Bài thứ ba: Bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.2. Ngành Lý Luận Phê Bình Điện Ảnh
- Vòng Sơ tuyển: Thí sinh trải qua vòng thi về văn hoá xã hội và văn học nghệ thuật.
- Vòng Chung tuyển: Thí sinh trải qua 3 bài thi.
- Bài 1: Bài thi Xem và phân tích phim (hệ số 2).
- Bài 2: Bài thi vấn đáp năng khiếu về cảm thụ và phê bình Điện ảnh, nhận xét phim nộp khi đăng ký dự thi.
- Bài 3: Bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.3. Ngành Đạo Diễn Điện Ảnh – Điện Ảnh Truyền Hình
- Vòng Sơ tuyển: Thí sinh sẽ trải qua kỳ thi kiến thức chung về văn học nghệ thuộc và văn hoá xã hội.
- Vòng Chung tuyển: Thí sinh trải qua 3 bài thi.
- Bài 1: Phân tích phim và sáng tác theo đề thi dựa trên đoạn phim được xem (hệ số 2).
- Bài 2: Thi Vấn đáp: Chọn một chủ đề để dựng ảnh và trả lời câu hỏi liên quan đến bài thi.
- Bài 3: Bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.4. Ngành Quay Phim + Nhiếp Ảnh
- Vòng sơ tuyển: Thí sinh trải qua vòng thi về kiến thức văn hóa xã hội và văn học nghệ thuật.
- Vòng Chung tuyển: Thí sinh tham dự 3 bài thi.
- Bài 1: Phân tích phim/ tác phẩm cá nhân.
- Bài 2: Chụp ảnh sau đó thi vấn đáp phân tích các bức ảnh đã chụp.
- Bài 3: Bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.5. Ngành Diễn Viên Sân Khấu Điện Ảnh
- Vòng sơ tuyển:
- Kiểm tra hình thể và giọng nói.
- Chuẩn bị và biểu diễn một tình huống kịch tự dựng.
- Vòng Chung tuyển: Trải qua 2 bài thi.
- Bài 1: Biểu diễn độc lập về một tiểu phẩm sân khấu do đề thi đưa ra. Thời gian biểu diễn không vượt quá 10 phút. Biểu diễn tình huống theo yêu cầu của ban giám khảo, sau đó trả lời những câu hỏi liên quan (hệ số 2).
- Bài 2: Bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.6. Ngành Diễn Viên Chèo – Diễn Viên Cải Lương
- Vòng sơ tuyển:
- Biểu diễn 2 bài hát về chèo, cải lương theo sự chuẩn bị trước.
- Vòng Chung tuyển: Trải qua 2 bài thi.
- Bài 1: Hát sau đó biểu diễn một tác phẩm sân khấu điện ảnh, biểu diễn múa.
- Bài 2: Trải qua bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.7. Ngành Thiết Kế Trang Phục Nghệ Thuật + Thiết Kế Mỹ Thuật Sân Khấu Điện Ảnh
- Vòng sơ tuyển: Thực hiện bài thi vẽ hình họa đen trắng theo mẫu.
- Vòng chung tuyển: Trải qua 3 bài thi.
- Bài 1: Vẽ mẫu tĩnh vật với bột màu (hệ số 1).
- Bài 2: Vẽ thiết kế trang phục theo đề bài bằng bột màu (hệ số 2).
- Bài 3: Thực hiện bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
3.8. Ngành Biên Đạo Múa + Huấn Luyện Múa
- Vòng sơ tuyển:
- Thí sinh biểu diễn múa dân gian Việt Nam và 3 đến 5 tổ hợp động tác múa cổ điển Châu Âu.
- Nghe nhạc sau đó trình diễn bằng cảm xúc của mình.
- Vòng chung tuyển: Trải qua 3 bài thi.
- Bài 1: Tự biên kịch và trình diễn một tiểu phẩm múa theo âm nhạc của đề thi trong thời gian 2-3 phút. Mỗi tiểu phẩm không vượt quá 2 diễn viên và thí sinh là người trực tiếp trình bày (hệ số 2).
- Bài 2: Biên tập về huấn luyện múa dân gian dân tộc VN và múa cổ điển Châu Âu theo đề thi. Thí sinh là người trực tiếp trình bày (hệ số 1).
- Bài 3: Thực hiện bài thi môn ngữ Văn theo đề thi THPT quốc gia.
Điểm chuẩn của các ngành khối S
Để có thêm tư liệu tham khảo cho quá trình ôn thi và tâm lý tự tin hơn cho các thí sinh khối S. Việt Hàn (VKI) cung cấp thông tin điểm chuẩn của top 02 trường đang dẫn đầu ngành nghệ thuật trong năm 2020 và 2021 như sau:
ĐẠI HỌC SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH HÀ NỘI:
Ngành/ Chuyên ngành | Chỉ tiêu | Điểm chuẩn |
---|---|---|
Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu | ||
Biên kịch sân khấu | 10 | |
Diễn viên sân khấu kịch hát | 55 | 12.5 |
Đạo diễn sân khấu | 25 | 12.75 |
Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình | 10 | 18.5 |
Biên kịch điện ảnh, truyền hình | 35 | 15.5 |
Diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình | 35 | 14.5 |
Đạo diễn điện ảnh, truyền hình | 30 | 14 |
Quay phim | 40 | 13.75 |
Biên đạo múa | 30 | 16.25 |
Huấn luyện viên múa | 10 | 20 |
Nhiếp ảnh | 45 | 13.5 |
Công nghệ điện ảnh, truyền hình | 40 | 11.7 |
Thiết kế mỹ thuật sân khấu, điện ảnh | 55 | 14 |
ĐẠI HỌC SÂN KHẤU ĐIỆN ẢNH TP.HCM:
Ngành/ Chuyên ngành | Điểm chuẩn (đã nhân hệ số) | Ghi chú |
---|---|---|
Diễn viên kịch, điện ảnh, truyền hình | 28 | Điểm năng khiếu >= 7 |
Đạo diễn điện ảnh, truyền hình | 28 | Điểm năng khiếu >= 7 |
Đạo diễn sân khấu | 25.5 | Điểm năng khiếu >= 7 |
Quay phim | 27.5 | Điểm năng khiếu >= 7 |
Trường Đại học dành cho Khối S hiện nay
Do có yêu cầu khá cao về năng khiếu, ngoại hình,… Nên những ngành nghề khối S sẽ có khá khiêm tốn sự lựa chọn về trường học hơn so với những khối khác. Tuy nhiên, đa số những thí sinh được đào tạo từ các trường dưới đây đều sẽ trở thành những người có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nghệ thuật tương lai.
Top những trường Đại học đào tạo khối S nổi tiếng hiện nay:
-
Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh TP. Hồ Chí Minh:
- Địa chỉ: Số 125 Đường Cống Quỳnh, Phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP. HCM.
-
Trường Đại học Văn Hóa – Nghệ Thuật Quân Đội TP.HCM:
- Địa chỉ: 140 Đường Cộng Hòa, Phường 4, Tân Bình, TP. HCM.
-
Trường Đại học Văn Lang TP.HCM:
- Địa chỉ: 45 Nguyễn Khắc Nhu, Phường Cô Giang, Quận 1, TP. HCM.
-
Trường Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội:
- Địa chỉ: Khu văn hóa Nghệ thuật, Ngõ 76, Phường Mai Dịch, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
-
Trường Đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung Ương:
- Địa chỉ: 18 Ngõ 55, Phường Văn Quán, Quận Hà Đông, Hà Nội.
Nếu bạn đang ấp ủ đam mê đối với những ngành nghề trong Khối S, thì đừng bỏ qua những kiến thức cơ bản nhất từ Khối S thi môn gì? Các trường đào tạo ngành nghề thuộc khối S mà Trường Trung Cấp Việt Hàn (VKI) đã tổng hợp nhé. Chúng tôi tin chắc rằng đây là những kiến thức bổ ích nhất cho hành trình chinh phục đam mê của bạn.