Wiki

Phương pháp học ngoại ngữ của Bác Hồ và tinh thần tự học

Rate this post

Trong bài viết này viethanbinhduong.edu.vn sẽ chia sẻ chuyên sâu kiến thức của Bác hồ nói được bao nhiêu thứ tiếng để chia sẻ cho bạn đọc

Chủ tịch Hồ Chí Minh thông thạo nhiều ngoại ngữ. Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII, Bác đã ghi: “Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga”. Nhưng trên thực tế, dựa vào những lần Bác đi thăm nước ngoài, cũng như những lần đón tiếp các phái đoàn ngoại giao tới Việt Nam, chúng ta được biết Người còn sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ khác, như tiếng Xiêm (Thái Lan bây giờ), tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ả Rập, tiếng của nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam,… vốn ngoại ngữ đó của Bác không phải tự nhiên mà có, tất cả đều xuất phát từ sự khổ công luyện tập. Tinh thần tự học, tự phấn đấu, rèn luyện và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại bài học lịch sử mà còn là niềm cảm hứng cho bao thế hệ, ngay cả đến hôm nay. Chính tinh thần ấy, ý chí ấy đã hun đúc nên một Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, vĩ nhân Việt Nam, danh nhân thế giới. Một con người với tư duy minh triết, khối óc thông tuệ và một trái tim yêu nước, thương dân nồng nàn cùng nhiệt huyết cháy bỏng đã quyết ra đi tự tìm đường cứu nước từ khi mới 21 tuổi.

Với phương châm, học ngoại ngữ để tìm đường cứu nước, Người đã xác định biết tiếng Tây để hiểu Tây, và hiểu Tây thì mới thắng được Tây. Chính niềm mong mỏi giải phóng cho đồng bào đã tạo động lực cho Người học hỏi các thứ tiếng khác để học được những tinh hoa của nhân loại, nêu cao tinh thần cộng sản quốc tế,…Bác đã học từ vựng một cách có hệ thống, học từng từ vựng, bằng cách hỏi chính người bản xứ. Người đã học từng chút một mà không có sách hướng dẫn. Trên chuyến tàu sang Pháp, vào những lúc rảnh rỗi, Bác đều tận dụng thời gian học tiếng để có thể giao tiếp dễ dàng, Bác đã học tiếng Pháp qua cách giao lưu, làm quen, Bác tự tìm đến những người lính cùng chung chuyến tàu, gặp gỡ và học hỏi ngôn ngữ qua cách trò chuyện. Những lúc nghe họ giải thích Bác đều chăm chú và ghi chép lại sau đó tập luyện mỗi ngày. Mùa hè năm 1911, Bác đặt chân lên đất Pháp, đối với Bác, kể từ thời điểm đó mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày, tới công việc, nhằm mục đích tìm ra con đường cứu nước, cứu dân đều phải sử dụng bằng tiếng Pháp. Vì thế, nếu không biết tiếng Pháp thì đó là “trở ngại lớn nhất trên con đường tìm đường cứu nước, cứu dân”. Bác đặt ra quyết tâm: “Nhất định phải học viết cho kỳ được”. Vì thế, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ, nhưng Người cũng tìm ra được phương pháp học cho riêng mình.

Bác học cách ghi nhớ, luyện tập những từ đã học, viết các câu, bài luận làm sao sử dụng nhiều nhất những từ vựng đã biết. Như vậy, cần phải liên hệ chúng, tưởng tượng một chủ đề nào đó và liên kết các từ đã biết có liên quan đến một chủ đề. Bác Hồ đã ghép từng câu ngắn, câu dài, thành đoạn, thành bài văn và Người còn dùng một cách vô cùng hữu ích là tập viết báo bằng thứ tiếng mà mình học. Người tìm đến một tòa soạn báo để xin viết một bài báo tiếng Pháp. Những lúc luyện viết tiếng Pháp, Bác đã tập viết từng chữ, sau đó dần dần Bác đã thành thạo và bắt đầu viết thành từng câu, đoạn. Bác đã rất vui mừng khi đã viết được bài báo nhưng điều quan trọng hơn hết sau những bài báo mà Bác viết, Bác đều tự sửa lỗi sai trước khi gửi lên tòa soạn. Ngoài ra, Người còn học viết truyện ngắn, học từ những văn hào nổi tiếng. Có thể kể tên nhiều truyện ngắn và kịch tiêu biểu của Người, như Pari (1922, Nhân đạo), Lời than vãn của bà Trưng Trắc (1922, Nhân đạo), Con người biết mùi hun khói (1922, Nhân đạo), Vi hành (1923, Nhân đạo), Đoàn kết giai cấp (1924, Người cùng khổ), Con rùa (1925, Người cùng khổ), Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu (1925, Người cùng khổ)1,… Điều này cho thấy, Người đã không chỉ học giỏi ngoại ngữ mà còn trở thành một người giỏi về sử dụng ngôn ngữ của một nước khác.

Đọc thêm:  Trend là gì? Xu hướng tìm kiếm, HOT Trend nổi bật nhất vừa qua

Bác tự tạo ra cho mình một “môi trường” ngoại ngữ – một yếu tố tác động lớn tới việc thông thạo ngoại ngữ như người bản địa. Người ghi từ vựng lên những nơi dễ thấy nhất, như ghi lên cánh tay mình. Đến đâu là học ngay ngoại ngữ đó, dù hằng ngày, Người bận rộn với việc kiếm sống bằng những công việc lao lực. Với phương pháp học thường xuyên, đều đặn, kiên trì. Có lần nói chuyện với thanh niên, Bác cho biết: Để học được ngoại ngữ Bác phải kiên trì mỗi ngày học thuộc mười từ, học ở mọi nơi, mọi lúc cho kỳ thuộc, có khi viết các từ đó lên cánh tay để vừa làm vừa nhìn vào đó cho nhớ. Hôm sau lại học mười từ khác, cứ thế mà tích lũy dần như ta bỏ tiền tiết kiệm hằng ngày vào ống. Khi thành thạo tiếng Pháp, Bác quyết định lên đường sang nước Anh với hy vọng hiểu thêm một số kiến thức và biết tiếng Anh. Tiếng Anh cũng tương tự như tiếng Pháp, nhưng tiếng Anh có phần dễ học hơn, chữ viết không khó như tiếng Pháp nên việc Bác biết tiếng Pháp thì học tiếng Anh rất dễ dàng. Bác học hỏi, giao lưu và tìm một việc làm để dành dụm một ít tiền để mua dụng cụ học tập phục vụ cho việc học ngoại ngữ. Mỗi buổi tối Bác đều cố gắng học và trau dồi vốn từ tiếng Anh. Ngoài việc học, Bác còn tìm hiểu lịch sử về nước Anh, ham học hỏi và am hiểu nền văn hóa nơi đây.

Vừa học tiếng Anh, Bác vừa tìm hiểu nền văn hoá và lịch sử nước Anh, đặc biệt là nước Mỹ. Riêng tài liệu nói về Mỹ của Bác đã lên đến hàng mấy trăm bài, với các thể loại khác nhau, đề cập toàn diện và sâu sắc đến nước Mỹ. Với Bác, việc đọc nhiều sách báo của Mỹ, học tiếng Anh để hiểu tường tận hơn thế giới và để lãnh đạo cách mạng một cách khoa học hơn.

Sau này, khi Bác bí mật đến nước Nga, là bắt đầu học tiếng Nga ngay. Chỉ hai ngày sau đã có thể nói được một số từ Nga với người bạn Pháp là Pôn do đồng chí Ca-sanh, lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp đang ở Liên Xô, cử đến gặp. Bác chỉ ở Nga thời gian ngắn nhưng đã làm được việc phiên dịch. Thời gian ở Trung Quốc, Người đã tìm đến làm phiên dịch cho ông Bô-rô-đin, cố vấn chính trị của bác sĩ Tôn Dật Tiên và của Chính phủ Quảng Châu. Bác đã học tiếng Trung Quốc khi hoạt động ở Quảng Châu.

Khi hoạt động bí mật ở Xiêm (Thái Lan), muốn gây thiện cảm với nhân dân địa phương, gần gũi họ để dễ bề hoạt động cho cách mạng Việt Nam, Bác đã trao đổi với các cán bộ cùng đi là cần phải học tiếng Thái Lan càng sớm càng tốt. Ai cũng hoan nghênh, và mọi người đều sốt sắng thực hiện chủ trương đó. Có người hăng hái đề ra mỗi ngày phải học 50 từ mới, người này thì 40 từ, người kia thì 30 từ,… Bác cười và căn dặn: “Tùy các chú, nhưng phải đều đặn và liên tục thì mới có kết quả”. Với Bác Hồ, mỗi ngày Bác chỉ học 20 từ Thái Lan. Ngày nào bận công tác đoàn thể thì hôm sau Bác quyết học bù cho đủ. Âm thầm, lặng lẽ, kiên trì, đều đặn và liên tục, nên sau 3 tháng kết quả thật khả quan: Bác đã đọc thông, viết thạo tiếng Thái Lan. Do đó, mọi người Thái Lan ở địa phương đều quý mến cán bộ “Thầu Chín” (bí danh của Bác Hồ khi hoạt động bí mật bên Thái Lan), vì Bác đã gần gũi họ, tiếp xúc với họ bằng tiếng Thái2.

Đọc thêm:  Hệ thống là gì? Ý nghĩa, cách phân loại và cho ví dụ minh họa?

Và quan trọng nhất đó là tinh thần tự học, ý chí vượt lên mọi khó khăn; đói rét không phải là rào cản cho người ham học. Thời gian Bác sống ở Pa-ri, rất cực khổ. Bác thuê phòng trọ nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền, mỗi buổi sáng nấu cơm trong một cái sanh nhỏ đặt trên ngọn đèn dầu. Cơm ăn với một con cá mắm hoặc một ít thịt, ăn một nửa còn một nửa dành đến chiều. Có khi, một miếng bánh mì với một miếng pho-mát là đủ ăn cả ngày. Mùa đông lạnh, buổi sáng trước khi đi làm, Bác để một viên gạch vào lò bếp của khách sạn, chiều về lấy ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét. Bác làm nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh, do cụ Phan Chu Trinh dạy cho. Thường thường, Bác chỉ làm việc nửa ngày vào buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện hoặc dự những buổi nói chuyện. Tối đến, Bác đi dự những cuộc mít-tinh. Hầu hết những buổi mít tinh Bác đều phát biểu ý kiến và khéo lái những vấn đề thảo luận sang vấn đề thuộc địa. Bác làm quen với những nhà chính trị, nhà văn để nâng cao trình độ chính trị và văn học của mình”3. Thời gian ở nước Anh, lúc đầu anh Ba nhận việc cào tuyết trong một trường học, mình mẩy đẫm mồ hôi mà tay chân thì rét cóng. Sau lại chuyển sang việc đốt lò. Từ 5 giờ sáng cùng một người nữa, anh Ba chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò. Với số tiền để dành, anh Ba trả tiền phòng, tiền bơ và bánh mỳ, và sáu bài học chữ Anh. Sau đó, Người xin vào làm phụ bếp trong Khách sạn Carlton. Thường ngày, buổi sáng Người phải làm từ 8 đến 12 giờ, buổi chiều từ 17 đến 22 giờ. Phương tiện học là vài quyển sách và một cây bút chì. Sớm chiều, Người đến ngồi ở Vườn hoa Hay-đơ (Hyde Park) nơi có nhiều cây to, cột đèn cổ xưa để học. Vườn hoa Hay-đơ là nơi mít-tinh thị uy của nhân dân lao động ở Luân Đôn. Trước kia, V.I.Lênin và Cơ-rúp-xkai-a cũng đã học tiếng Anh ở vườn hoa này. Sau này, khi đến thăm một lớp học, Người nói rằng, phải ra Vườn hoa Hay-đơ học vì “ở đấy lạnh không buồn ngủ”4.

Người vừa làm, vừa học, tranh thủ mọi cơ hội để học, Người luôn có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện. Với những phân tích khoa học về con đường tự học và tinh thần học ngoại ngữ nói riêng và học tập nói chung của Bác, điều cần thiết là bài học rút ra cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay:

Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm cho cái mới cũng trở nên cũ rất nhanh, chỉ cần buông xuôi không cập nhật là trở nên lạc hậu ngay lập tức. Bên cạnh đó, luồng thông tin và kho tri thức nhân loại đã trở nên khổng lồ nhưng lại rất dễ tiếp cận, là tài nguyên mà ai cũng có thể khai thác nhưng muốn làm chủ được chúng thì không thể thông qua mua bán, vay mượn mà chỉ có con đường duy nhất là học tập, tự học hỏi để tích lũy cho bản thân và ứng dụng vào công việc, cuộc sống một cách có ý nghĩa nhất. Vì vậy, phải luôn thường trực sự học hỏi ở mọi nơi mọi lúc, kết hợp cả học thường xuyên và linh hoạt với học tập, nghiên cứu. Luôn giữ tinh thần, ý chí và nghị lực học tập. Tinh thần học tập cũng là một phẩm chất cá nhân được rèn luyện, thậm chí được coi là một trong những năng lực cá nhân quan trọng trong một số khung năng lực được xây dựng cho cán bộ nhân viên của nhiều tổ chức, công ty hiện nay. Nghị lực học tập phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày chứ không thể học dồn một lúc, học cho xong.

Đọc thêm:  Nước cất là gì? Dùng để làm gì? Nước cất có uống được không?

Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp người học có thêm nhiều công cụ học tập như học điện tử (e-learning), học trên di động (mobile learning), học cộng tác/xã hội (social learning), học siêu ngắn (microlearning)… rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại…). Thế hệ trẻ thông minh, bản lĩnh cần biết khai thác mặt ưu của công nghệ, của mạng xã hội để phục vụ cho học tập, nhất là việc tự học, cũng như phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình; đồng thời biết kiểm soát, giới hạn bản thân để không bị lôi kéo, sa đà và bị ảnh hưởng tiêu cực của những kênh thông tin, trò chơi, trào lưu không tốt trên mạng. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần học hỏi, hoàn thiện bản thân về ngôn ngữ, phong cách giao tiếp, kỹ năng ứng xử với xung quanh, tránh việc quá lạm dụng giao tiếp trên mạng, giao tiếp trong môi trường ảo, sử dụng từ tắt, tiếng lóng mà bỏ qua hệ thống từ ngữ chuẩn mực, bỏ qua việc giao lưu xã hội thực tế, tương tác với người thật việc thật.

Tự học hỏi, tự rèn luyện mục đích cuối cùng là để phục vụ cho bản thân, gia đình và cao hơn cả là quê hương đất nước. Kết quả của quá trình tự học, học hỏi phải được biến thành sự đóng góp thiết thực, ích nước lợi dân chứ không chỉ nằm trong thành tích học tập. Đặc biệt, những bạn trẻ sớm đi du học và tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây càng cần có ý thức hướng về quê hương để mang những kiến thức, hiểu biết của mình đóng góp cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn. Đã qua thời học tập theo mô hình một thầy giảng và nhiều người nghe trong một lớp học tập trung, mà kiến thức đang được tiếp thu liên tục thông qua quá trình tự học hỏi, tự tìm tòi, tự tiếp nhận. Ngày nay, chúng ta có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với thời đại của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

Có thể noi, tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh, soi xét trong thực tiễn đã qua, hiện nay và cả mai sau, vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc; đó mãi là một tấm gương sáng ngời, một di sản vô giá đối với sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục của Đảng và nhân dân ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội./.

Kim Anh

1. Phạm Văn Vĩnh: Bác Hồ học ngoại ngữ.2. Phạm Văn Vĩnh: Bác Hồ học ngoại ngữ, Hà Nội mới cuối tuần số đặc biệt Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-2000).3. Hoàng Kỳ: Học tập ý chí và phương pháp tự học của Bác Hồ.4. Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng (Ban Tuyên giáo Trung ương): 117 Chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

Bá Duy

Bá Duy hiện tại là người chịu trách nhiệm chia sẻ nội dung trên trang viethanbinhduong.edu.vn với 5 năm kinh nghiệm chia sẻ kiến thức giáo dục tại các website lớn nhỏ.

Related Articles

Back to top button